Hoa phù dung: ý nghĩa và cách trồng cây phù dung ra hoa đẹp
Hoa phù dung là một loài hoa đặc biệt. Loài hoa này gắn liền với cuộc đời của nàng tiên nữ xinh đẹp nhưng bạc mệnh. Không những thế, loài hoa cũng mang một vẻ đẹp khác biệt nhất là khi màu sắc của chúng thay đổi liên tục. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về loài hoa phù dung trong bài viết này nhé!
- Ý nghĩa của hoa ngũ sắc? Đặc điểm và cách trồng, chăm sóc cây hoa tại nhà
- Hoa hồng nhung: ý nghĩa, phân loại và cách trồng, chăm sóc
- Các loại hoa lan kiếm? Cách trồng, chăm sóc lan kiếm ra hoa đẹp
- 30+ các loại hoa hồng ngoại đẹp nhất và cách trồng, chăm sóc từng loại
- Ý nghĩa hoa Sen? Đặc điểm, tác dụng, cách trồng, chăm sóc Sen
Hoa phù dung là hoa gì?
Nội dung [show]
Bạn đang xem: Hoa phù dung: ý nghĩa và cách trồng cây phù dung ra hoa đẹp
Đây là loài hoa có tên khoa học là Hibiscus Mutabilis, thuộc họ Cẩm quỳ (Malvaceae). Hoa phù dung tiếng anh là Confederate Rose. Ngoài ra, chúng còn được gọi bằng nhiều tên khác như mộc liên, mộc phù dung, phù dung thân mộc, địa phù dung, phù dung núi, túy tửu phù dung, sương giáng,…
Nguồn gốc xuất xứ của cây hoa phù dung là từ miền đông Ấn Độ. Sau này chúng được trồng ngày càng nhiều và phổ biến hơn ở Trung Quốc, Nhật Bản, Philippin, Hoa Kỳ… Tại Việt nam, loài hoa này được trồng chủ yếu ở các vùng phía Bắc.
Ý nghĩa hoa phù dung
Truyền thuyết hoa phù dung
Sự tích hoa phù dung gắn liền với nàng tiên nữ Phù Dung xinh đẹp. Chuyện kể rằng, ngày đó có nàng tiên Phù Dung, trên khuôn mặt xinh đẹp tuyệt trần của cô luôn chất chứa nỗi buồn. Thấy nàng như vậy, Vương mẫu nương nương vì thương nàng nên đã cho nàng hạ giới chu du thiên hạ để nàng quên đi sầu muộn. Thế nhưng, nàng mải đắm chìm vào những cảnh đẹp giản dị nơi trần thế mà đánh rơi mất lá bùa quay trở về trời.
Sau đó nàng gặp được một chàng trai nghèo khó tên Đông Tâm. Nàng đã theo chàng về nhà, và ngày ngày chăm sóc cho người mẹ bệnh tật của chàng. Không lâu sau thì hai người kết duyên trở thành vợ chồng. Đến hạn ngày trở về trời, chờ mãi không thấy nàng quay trở lại nên Vương mẫu đã sai người đi bắt nàng về. Trong lúc vội vã ra đi, nàng đã kịp trao cho chồng một viên ngọc làm tin.
Sau khi quay về trời, nàng lại càng buồn rầu hơn và xin Vương mẫu cho nàng quay trở về trần gian. Cuối cùng Vương hậu cũng đồng ý. Nhưng lúc này, thời gian dưới hạ giới đã là 20 năm sau, Đông Tâm đã có vợ mới và hai con thơ. Phù Dung hạ phàm nhưng lại ẩn dưới hình hài của một chàng trai. Hai người vẫn nhận ra nhau nhờ viên ngọc sau đó lén lút gặp nhau. Nhưng mang trên vai trách nhiệm và gánh nặng gia đình cùng hai con nhỏ, Đông Tâm đã không thể lựa chọn ở bên nàng.
Vì quá đau khổ không được bên cạnh người mình yêu, Phù Dung chết hóa thành đóa hoa phù dung mỏng manh, xinh đẹp. Vương mẫu không muốn nàng quyến luyến Đông Tâm mãi không siêu thoát nên chỉ cho loài hoa này nở vào ban ngày và phai tàn ngay vào lúc hoàng hôn.
Ý nghĩa của phù dung
Chính bởi truyện hoa phù dung được lan truyền từ xưa đến nay nên ý nghĩa của chúng cũng từ đó mà hình thành. Đóa phù dung xinh đẹp đại diện cho những thiếu nữ, tiểu thư đài các không được tự do tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên dù xinh đẹp nhưng luôn mang theo nôi buồn sâu thẳm.
Tuy mang vẻ đẹp quyến rũ nhưng phù dung sớm nở tối tàn. Bởi thế mà hình ảnh hoa phù dung mang ý nghĩa tượng trưng cho cuộc đời ngắn ngủi, vô thường và cái đẹp dù có rực rỡ đến mấy cũng có lúc tàn phai.
Không những thế, ý nghĩa của hoa phù dung còn khiến người ta nghĩ đến một chuyện tình buồn và ngang trái. Cánh hoa phù dung đổi màu từ sáng đến chiều và ngày hôm sau đã tàn lụi xơ xác. Tình yêu cũng thay đổi như thế, khi hạnh phúc khi thì lạnh nhạt, tình yêu không vĩnh cửu mà cuối cùng cũng sẽ tan vỡ theo quy luật của tự nhiên. Vì vậy, chúng ta không nên mong chờ hay hy vọng một tình yêu mãi mãi không đổi thay, mà hãy luôn chấp nhận những trạng thái thăng trầm khi yêu.
Đặc điểm hoa phù dung
Cây phù dung là loại cây thân gỗ, sống lâu năm. Chúng thường mọc thành từng bụi, mang lông ngắn và hình sao. Lá phù dung khá to, kích thước đường kính có thể đạt 15cm. Lá màu xanh đậm, có 5 cánh, cuống lá hình trái tim. Mép lá có răng cưa và mặt dưới lá có nhiều lông hơn mặt trên.
Xem thêm : List 100 loài hoa đẹp nhất Việt Nam và Thế Giới mang ý nghĩa tốt
Hoa phù dung có 2 loại, đó là hoa đơn (hoa có 5 cánh) và hoa kép (có rất nhiều cánh). Hoa khi nở có kích thước lớn, chúng xòe to như chiếc bát. Cánh hoa mỏng và xốp giống như hoa giấy.
Đặc biệt nhất là hoa phù dung đổi màu liên tục 3 lần từ sáng đến tối. Vào buổi sáng hoa nở màu trắng, đến trưa sẽ chuyển sang màu hồng và buổi tối lại đổi thành màu đỏ sẫm, rồi tàn.
Để lý giải cho sự thay đổi màu của hoa phù dung thì đó là do chúng có chứa anthocyamin và carotein. Chất anthocyamin thay đổi phụ thuộc vào độ chua kiềm. Cụ thể, ban đầu anthocyamin không màu nên khi hoa mới nở có màu trắng. Đến khi có ánh mặt trời, anthocyamin có màu và độ chua tăng lên khiến hoa đổi màu dần từ hồng sang đỏ thẫm.
Quả phù dung hình cầu, có lông màu vàng nhạt. Bên trong quả có hạt hình trứng, có nếp nhăn nhỏ mang lông dài.
Công dụng của cây phù dung
Phù dung trang trí, làm cảnh
Cây phù dung mọc thành từng bụi, có lá to nên thường được trồng làm cây bóng mát. Cây cho hoa đẹp nên không chỉ giúp che mát, chống bụi mùa hè mà còn tạo điểm nhấn cho cảnh quan, gây ấn tượng thu hút sự chú ý của mọi người.
Ngày nay, mọi người rất ưa chuộng và thường trồng cây hoa phù dung để trang trí đường phố, công viên, biệt thự, khuôn viên, tiểu cảnh, sân vườn hay trồng trong chậu cảnh để trưng bày trước nhà, ban công. Cây hoa sẽ đem lại không gian xanh mát, trong lành và nhiều màu sắc.
Không những thế, hoa phù dung còn được ngắt những cành hoa tươi để cắm bình đặt trang trí phòng khách, phòng bếp, bàn làm việc, bàn học hay cửa sổ,… Ngắm nhìn những bông hoa tươi xinh đẹp sẽ giúp tâm trạng được thư giãn và thoải mái.
Tác dụng y học
Bên cạnh tác dụng làm cảnh, cây hoa phù dung còn có thể dùng để điều chế ra các bài thuốc đông y chữa được rất nhiều bệnh. Tất cả các bộ phận của cây phù dung từ hoa, lá, rễ, vỏ,… đều có thể được dùng làm thuốc.
Chẳng hạn như, hoa phù dung nếu được hái khi hoa mới nở rồi đem sấy khô hoặc phơi trong bóng râm thì có thể dùng làm thuốc chữa mụn nhọt, tiêu sưng,… Lá của phù dung người ta thường cắt lấy phiến lá vào mùa hè hoặc mùa thu, đem phơi khô trong bóng râm sẽ có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, mát gan,…
Ngoài ra, các bộ phận của cây phù dung còn được tận dụng điều chế ra rất nhiều các bài thuốc khác nhau chữa hiệu quả các bệnh như viêm khớp, bỏng, đau mắt đỏ, lẹo mắt, ho ra máu, zona, viêm kết mạc, chín mé, cảm mạo, chữa vết thương do bị côn trùng cắn, đau bụng do giun sán,…
Cách trồng hoa phù dung
Thời điểm trồng hoa phù dung lý tưởng nhất là vào mùa xuân. Trước khi trồng phù dung, cần phải chuẩn bị đất trồng thích hợp. Cây phù trông có thể sinh trưởng tốt nhất trong điều kiện là đất pha cát, thoáng khí, có khả năng thoát nước tốt.
Có thể trồng cây phù dung ở ngoài vườn hoặc trong chậu. Nếu trồng cây ngoài vườn thì nên cắt hết cành trước mùa đông và đắp thêm đất vào mùa xuân. Nếu trồng hoa trong chậu thì phải đảm bảo đất chậu giữ ẩm tốt và cần tỉa cành sau khi cây ra hoa.
Xem thêm : Ý nghĩa hoa sen trắng? Đặc điểm, cấu tạo và cách trồng sen trắng
Hiện nay, người ta thường nhân giống và trồng cây hoa phù dung bằng các phương pháp như giâm cành, tách gốc, chiết cành, gieo hạt.
Phương pháp giâm cành
Giâm cành thường được tiến hành vào mùa đông khi cây rụng hết lá. Khi đó, bạn chặt toàn bộ cành phía trên, chọn những cành tốt để cắt thành từng đoạn giâm dài khoảng 15 – 20cm. Bó khoảng 50 cành thành 1 bó rồi đem giâm xuống đất cát, để qua mùa đông. Khi giâm cành, đặt chúng vuông góc xuống hố trồng, rồi dùng cát ẩm phủ lên trên một lớp dày tầm 10cm. Lưu ý nơi giâm cành phải có nắng và thoáng gió và cát luôn được giữ ẩm. Đến mùa xuân năm sau, khi phần gốc lành thì có thể đem từng cành trong bó trồng lên luống. Cây sẽ nhanh chóng mọc rễ.
Phương pháp chiết cành
Thời điểm chiết cành hiệu quả nhất là vào khoảng tháng 7 – 8. Sau khi lựa chọn những cành chiết khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn thì tiến hành bó bầu chiết như những loài cây khác. Khoảng 1 tháng sau khi bó bầu, cành sẽ mọc rễ và đợi tiếp 1 tháng nữa là có thể cắt rời cây mẹ. Sau đó đem bầu chiết trồng ra vườn hoặc trong chậu và chăm sóc cẩn thận cho cây nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.
Phương pháp tách gốc
Người ta thường tiến hành tách phương pháp này vào cuối tháng 2. Đầu tiên nhổ gốc cây lên rồi tách phần gốc ra bằng dao sắc. Lưu ý mỗi gốc phải có khoảng 4 – 5 mầm cây. Sau đó tiến hành trồng gốc cây xuống đất ẩm và chăm sóc chu đáo. Sau khoảng 1 tuần thì cây có thể thích nghi hoàn toàn và sinh trưởng phát triển tốt.
Phương pháp gieo hạt
Hạt phù dung có lông nên có thể bay theo gió, rồi chúng rơi xuống đất và nảy mầm thành cây mới. Thay vì để cây tự nhân giống tự nhiên thì có thể tiến hành thu hạt và chọn lọc hạt giống tốt, khỏe mạnh để gieo. Như vậy sẽ không ảnh hưởng tới sự phát triển sau này của cây hoa.
Phương pháp chôn cành
Loài hoa phù dung này khá đặc biệt, cành của chúng có thể mọc rễ dễ dàng nếu có đất mà không cần tách cành. Thế nên, để nhân giống phù dung, bạn có thể thử phương pháp chôn cành vào khoảng tháng 6 – 7. Rất đơn giản, bạn chỉ cần lấy những cành dài ở phía bên ngoài của cây phù dung rồi vít chôn xuống dưới đất ẩm. Sau khoảng 1 tháng là cành sẽ mọc rễ, và đợi sau 2 tháng nữa thì có thể cắt cành đó ra khỏi cây mẹ. Tiếp đó, nhổ cả cây lẫn rễ rồi đem chôn vào trong nhà kính để qua đông. Đến mùa xuân năm sau thì đem cây ra trồng trên mặt đất.
Cách chăm sóc cây phù dung
Phù dung thuộc loài cây ưa sáng, chịu ẩm, chịu bóng tốt nhưng không chịu được rét. Để cây có thể sống tốt qua mùa đông, nên giữ nhiệt độ trong nhà kính khoảng 3 – 10 độ C là phù hợp. Đến mùa xuân thì có thể chuyển cây ra ngoài nơi có ánh nắng.
Về tưới nước, nhu cầu nước để giữ ẩm cho cây sinh trưởng tốt cũng khá cao. Thế nên cần chú ý tưới nước cho cây nhưng cũng không nên tưới quá nhiều khiến cây hoa bị ngập úng. Đặc biệt là vào mùa hoa cần tưới đủ nước, và nên tưới vào buổi sáng sớm khi hoa chớm nở để giữ được hoa tươi cả ngày. Vào mùa mưa thì không cần tưới nhiều mà chỉ cần nước mưa là đủ, nhưng nếu vào mùa nắng nóng khô hạn thì chú ý cung cấp nước kịp thời và vừa đủ cho cây hoa phù dung.
Về bón phân, nên bón phân mỗi năm 1 lần cho cây bằng phân hóa học hoặc phân hữu cơ, đặc biệt là giai đoạn cây sinh trưởng và chuẩn bị ra hoa. Khi bón phân thì cần đào rãnh xung quanh gốc rồi rắc phân lên, tưới nước và sau đó lấp đất vào kín rãnh.
Ngoài ra, bạn cần thường xuyên cắt tỉa cành để cây hoa phân nhánh nhanh và cho nhiều hoa phù dung đẹp hơn. Nếu cây phù dung trồng trong chậu thì có thể cắt bỏ toàn bộ cành sau mùa hoa để năm sau lúc trồng lại cây sẽ mọc cành mới. Đối với những cây trồng ngoài trời thì nên cắt bỏ toàn bộ cành vào mùa đông, lấp đất để chống rét. Đến khi thời tiết ấm hơn thì có thể bỏ lớp đất phủ ra để cây tiếp tục sinh trưởng phát triển, ra cành mới và cho nhiều hoa.
Như vậy, KHBVPTR đã chia sẻ toàn bộ những kiến thức cụ thể về ý nghĩa, đặc điểm và cách trồng hoa phù dung. Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích, giúp bạn chăm sóc cho mình những cây hoa phù dung khỏe mạnh và xinh đẹp nhé!
Nguồn: khbvptr.vn
Danh mục: Các loại hoa